Bluecointalk

Trang thông tin crypto (tiền điện tử) uy tín

30 Th3 2022

Sóng Elliott là gì? Các mô hình sóng Elliott phổ biến hiện nay

Sóng Elliott là một trong những công cụ phân tích biến động của thị trường được nhiều nhà đầu tư tin dùng. Quả là một sự trùng hợp khi tác giả của sóng Elliott, tuy không có chủ đích nhưng tác phẩm của ông lại đồng thời đại diện cho một lý thuyết nổi bật của thế kỉ 20 – thuyết hỗn mang. Thật hấp dẫn đúng không? Hôm nay hãy cùng bluecointalk.org tìm hiểu sóng Elliott là gì nhé!

Sóng Elliott là gì?

Sóng Elliott là một công cụ phân tích kĩ thuật được các nhà đầu tư sử dụng để phân tích vòng tuần hoàn của thị trường tài chính từ đó đưa ra các dự báo về xu hướng dựa trên hai yếu tố. Đó là thái cực trong tâm lý của nhà đầu tư các mức cao, thấp trong giá và các yếu tố tập thể. 

song elliott la gi

Nói một cách đơn giản, sóng Elliott giúp ta nhận biết được các xu thế của thị trường, tương tự như lý thuyết Dow nhưng ở một mức độ chi tiết hơn. Hơn thế, sóng Elliott còn xác định các điểm vào lệnh, cắt lỗ và chốt lời một cách cụ thể (khi kết hợp với Fibonacci), điều mà lý thuyết Dow đã không làm được.

Lịch sử hình thành lý thuyết sóng Elliott

Lý thuyết sóng được ông Ralph Nelson Elliott phát triển vào năm 1930. Đây là công trình chứa đựng giá trị đúc kết từ 75 năm nghiên cứu các loại thị trường khác nhau trên đa dạng khung thời gian từ khung 30 phút đến khung năm.

Vào năm 1935, lý thuyết của ông trở nên nổi tiếng giữa giới đầu tư nhờ nhận định thị trường sẽ bắt đáy trong khi số đông lại không cho rằng điều đó có thể xảy ra.

Thuyết Elliott mô tả những quy luật nhằm nhận định, đưa ra dự đoán cũng như tận dụng các đợt sóng của thị trường. Toàn bộ kiến thức này về sau được đúc kết trong quyển R.N. Elliott’s Masterworks, được xuất bản vào năm 1994.

Cấu trúc sóng Elliott

Theo Elliott thì cấu trúc sóng sẽ được chia thành 2 phần là sóng đẩy (impulsive), sóng hiệu chỉnh (corrective). Mỗi sóng này sẽ có đặc trưng khác nhau giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận biết. Cụ thể: 

1. Sóng đẩy

Sóng đẩy sẽ di chuyển theo xu hướng chính. Sóng đẩy gồm 5 loại sóng nhỏ, mỗi loại lại đặc trưng cho một thời kỳ và thể hiện tâm lý khác nhau của thị trường. Trong phần này sẽ phân tích với loại sóng trong thị trường tăng giá. Bản chất của hai thị trường là giống nhau cho nên ta chỉ xét một trong hai.

song day

  • Sóng 1

Lúc này, điều thường thấy là thị trường khá tiêu cực, mặc dù khối lượng giao dịch có tăng nhẹ theo giá nhưng nhìn chung các chỉ báo đều không thể hiện một sự đảo chiều xu hướng rõ ràng.

Chính vì vậy, đây là loại sóng khó nhận biết nhất bởi trong một thị trường giảm điểm, việc xuất hiện các đợt điều chỉnh là bình thường cho nên sóng 1 thường bị nhầm lẫn.

  • Sóng 2

Đây là sóng hiệu chỉnh của sóng 1 nhưng không bao giờ vượt quá điểm khởi đầu của sóng 1. Một lần nữa, các nhà đầu tư được củng cố rằng đây là một đợt giảm điểm tuy nhiên bên trong đó là các dấu hiệu khả quan như khối lượng trong sóng 2 thấp hơn trong sóng 1, giá thường không thoái lui hơn 61,8% so với sóng 1.

  • Sóng 3

Khi sóng 2 xác lập đáy mới cao hơn đáy 1 chứng tỏ đây là giai đoạn bùng nổ theo lý thuyết Dow. Lúc này các chỉ báo đều cho thấy một đà tăng mạnh, giá cả liên tục xác nhận các đỉnh mới với khối lượng giao dịch lớn.

Khi mới bắt đầu, thị trường có thể vẫn sẽ dự báo tiêu cực tuy nhiên khi giá hồi lại quá đỉnh sóng 1, các nhà đầu tư sẽ tham gia một cách mạnh mẽ, biến sóng 3 trở thành con sóng dài nhất trong 5 đợt sóng.

  • Sóng 4

Một sóng điều chỉnh xuất hiện sau thời gian dài tăng giá tạo thành sóng 4. Lúc này, đà tăng trưởng mất dần, một bộ phận các nhà đầu tư đã bắt đầu chốt lời. Điều này dẫn đến hiện tượng đi ngang về giá hoặc thoái lui về khoảng 38.2% so với sóng 3 (theo Fibonacci). Khối lượng giao dịch khi này thấp so với sóng 3.

  • Sóng 5

Sóng 5 thường là thời kỳ ứng với giai đoạn quá độ. Tin tức về thị trường đa phần là tích cực lôi kéo các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm lao vào mua và bị đu đỉnh. Trong khi những người tham gia sóng 3 đã lần lượt thoát bớt lệnh làm cho khối lượng giao dịch giảm. Thường theo sau sóng 5 là một sự đảo chiều của xu hướng tuy nhiên cũng có trường hợp sóng 5 mở rộng và tiếp tục tăng trưởng.

2. Sóng điều chỉnh

Sóng điều chỉnh là các đợt sóng đan xen và đi ngược với sóng đẩy. Sóng điều chỉnh gồm ba thành phần và tương tự như sóng đẩy.

  • Sóng A

Sóng A có tính chất tương tự sóng 1 bởi cả hai đều rất khó nhận biết. Thông thường người ta xem nó như một đợt điều chỉnh nhỏ chứ không phải sự báo hiệu đảo chiều. Một trong những cách dùng để nhận biết sóng A là dựa vào khối lượng tăng dần.

song dieu chinh

  • Sóng B

Lúc này, thị trường sẽ đảo ngược tăng. Nhiều người sẽ cho rằng giá sẽ hồi phục tuy nhiên nếu để ý ta sẽ thấy khối lượng giao dịch của sóng B còn thấp hơn sóng A và theo trường phái phân tích cổ điển thì lúc này thường sẽ hình thành mô hình giá vai- đầu- vai báo hiệu đảo chiều.

  • Sóng C

Như đã dự báo, lúc này thị trường giảm điểm mạnh với khối lượng thoát lệnh tăng khẳng định cho sự xuất hiện của thị trường suy thoái.  Sóng C phải lớn như sóng A hoặc vượt ra ngoài và mở rộng đến 1,618 lần sóng A.

3. Sóng nằm trong sóng

Sóng Elliott tuân theo cấu trúc 5-3, tuy nhiên khi phân tích các sóng thành phần ta luôn tìm được các sóng nhỏ hơn. Theo đó sóng 1, 3, 5 sẽ gồm 5 sóng đẩy nhỏ hơn, trong khi sóng 2, 4 lại có 3 mô hình sóng hiệu chỉnh nhỏ hơn.

song trong song

Chính tính chất sóng nằm trong sóng này càng làm cho lý thuyết Elliott trở nên phức tạp bởi nhà đầu tư phải tham chiếu nhiều khung thời gian khác nhau để có thể tìm ra mô hình sóng đúng.

Ba quy tắc chính của sóng Elliott

Có thể thấy việc xác định sóng Elliott là một công việc khó khăn và vô cùng phức tạp. Việc nhận định sai mô hình có thể dẫn đến xác định sai xu hướng. Mặc dù sóng Elliott thiên biến vạn hóa tuy nhiên nó vẫn tuân theo những quy tắc bất di bất dịch, nhà đầu tư cần nắm rõ những yếu tố này để quyết định đầu tư đúng đắn.

  • Quy tắc 1: Sóng 3 không bao giờ là sóng đẩy ngắn nhất
  • Quy tắc 2: Sóng 2 không bao giờ vượt quá điểm bắt đầu của sóng 1
  • Quy tắc 3: Đáy của sóng 4 không bao giờ vượt khỏi đỉnh của sóng 1 

Các nguyên tắc trên nhìn chung đều tuân theo lý thuyết Dow. Với nguyên tắc 1 là sự tuân theo quy luật sóng 3 ứng với giai đoạn bùng nổ nên không bao giờ là sóng ngắn nhất. Trong khi sóng 2 và 3 tuân theo lý thuyết cho rằng một xu thế chính chỉ được đảm bảo khi có sự xác lập liên tiếp của các đỉnh và đáy của xu thế phụ.

Các mô hình sóng Elliott phổ biến

Trong thực tế, các sóng đẩy và sóng điều chỉnh di chuyển theo các mô hình khác nhau. Việc nhận biết chúng là cần thiết để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn nhất.

1. Các mẫu hình sóng đẩy

Sóng mở rộng

Đối với sóng đẩy, các sóng 1,3,5 có thể kéo dài hơn bình thường, hình thành các sóng nhỏ hơn và thông thường sóng 3 sẽ là sóng mở rộng do có đà tăng trưởng mạnh.

  • Nếu sóng 3 mở rộng một lần, cấu trúc tổng thể sẽ có dạng là 5-3-5-3-5-3-5-3-5.
  • Mô hình sóng 3 mở rộng 2 lần có cấu trúc sóng 5-3-5-3-5-3-5-3-5-3-5-3-5

Sóng 3 nếu mở rộng 1 lần thì tổng số sóng của sóng đẩu là 9, 2 lần là 13, 3 lần là 17…

Sóng tam giác chéo

Điểm đặc biệt của mô hình này là khi vẽ các đường xu hướng đi qua các đỉnh và đáy của các bước sóng sẽ tạo thành hình tam giác.

Mẫu hình này được chia thành 2 dạng khác nhau, dựa vào cấu trúc sóng:

  • Leading Diagonal Triangle có cấu trúc sóng 5-3-5-3-5 
  • Ending Diagonal Triangle có cấu trúc sóng 3-3-3-3-3

song tam giac cheo

Trong đó: 

  • Sóng 1, 3, và 5 có dạng Zigzag.
  • Sóng 2 và 4 có hình dạng bất kì
  • Sóng 3 không thể là sóng ngắn nhất

Mẫu hình tam giác có xu hướng hội tụ tạo sóng 5. Dạng sóng Leading Diagonal Triangle thường xuất hiện trong sóng 1 và sóng A. Ending Diagonal Triangle xuất hiện trong sóng 5 và C, ngoài ra cũng có thể xuất hiện ở sóng 1.

Sóng 5 thất bại

Thông thường, sau đợt điều chỉnh, sóng 5 sẽ xác lập một đỉnh mới trước khi đảo chiều xu hướng. Thế nhưng cũng có trường hợp đỉnh sóng 5 không vượt quá đỉnh sóng 3 mà lao đầu tuột dốc (trong xu thế tăng).

2. Các mẫu hình sóng điều chỉnh

Nhìn chung, các mô hình của sóng điều chỉnh tương đối khó với đa dạng các biến thể nhưng chủ yếu đều dựa trên ba mô hình cơ bản sau.

Zic zắc

Đây là mô hình đơn giản và thường thấy nhất với sóng A, C dài và sóng B ngắn ở giữa. Cụ thể sóng B sẽ ngược với hai sóng còn lại và không vượt quá 61,8% độ dài sóng A. Sóng C phải xác lập đỉnh (đáy) mới so với A và độ dài hai sóng này sẽ tương đương nhau. Cấu trúc của mô hình Zigzag là 5-3-5.

Sóng phẳng( Flat)

Sóng phẳng hiểu đơn giản là giai đoạn đi ngang của thị trường với độ dài các sóng gần như nhau và không có sự xác lập đỉnh, đáy mới. Cấu trúc của mô hình sóng phẳng là 3-3-5 hoặc đôi khi là 3-3-7. 

Đối với mô hình này sóng A, C cùng chiều với nhau và ngược với sóng C. Trong một số trường hợp, sóng B có thể vượt qua đỉnh ban đầu của sóng A. Khi này có thể thị trường đang muốn đi theo hướng sóng B.

Dạng mẫu hình flat đa phần xuất hiện trong các sóng 2, 4 và B, đôi khi xuất hiện ở sóng X.

Sóng tam giác

Sóng hiệu chỉnh tam giác có điểm giống với sóng tam giác chéo của sóng đẩy là được hình thành bởi 5 sóng nhưng là năm sóng hiệu chỉnh và gồm hai dạng là hội tụ và phân kì với các đặc điểm khác nhau.

  • Tam giác hội tụ: bao gồm tam giác đi lên (ascending), tam giác đi xuống (descending) và tam giác đối xứng (symmetrical)
    • Có 5 sóng, A, B, C, D, E, mỗi sóng là một mẫu hình điều chỉnh
    • Sóng C không bao giờ là sóng ngắn nhất.
    • Sóng A là sóng dài nhất và sóng E là sóng ngắn nhất.
    • Sóng D không bao giờ vượt quá vùng giá của sóng C.
  • Tam giác phân kì gồm 5 sóng A, B, C, D, E
    • Sóng C không thể là sóng ngắn nhất
    • Sóng D vượt ra khỏi vùng giá của sóng C
    • Sóng A là sóng ngắn nhất và sóng E là sóng dài nhất.

Sóng tam giác cho thấy xu hướng tăng (giảm) còn mạnh và thường thiết lập các đỉnh cao mới. Một lưu ý khi sử dụng dạng sóng hiệu chỉnh dạng tam giác là: “trong thực tế, sóng không cần thiết phải chạm vào các cạnh trên hoặc dưới của mô hình tam giác”. 

Kết luận

Mặc cho mọi tranh cãi thì lý thuyết sóng vẫn là một công cụ phân tích hiệu quả được các nhà đầu tư hiện nay tin dùng. Tuy nhiên việc xác định xu hướng nói chung và con sóng nói riêng là một công việc phức tạp đòi hỏi một cái nhìn tinh tế và hàng chục năm kinh nghiệm. Chúng tôi mong rằng với những thông tin tổng hợp từ bài viết này có thể giúp bạn đọc hiểu sóng elliott là gì và dễ dàng nhìn nhận sóng để phát hiện xu hướng. Chúc các bạn thành công.

Filed Under: Uncategorized

Copyright © 2022 · Whitespace Pro Theme on Genesis Framework · WordPress · Log in